Để điều chỉnh và giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế, một trong các cách phổ biến là quốc gia xây dựng một hệ thống các quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật của mình và trong các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quốc gia thừa nhận và cho phép áp dụng luật nước ngoài và tất nhiên đây là một đòi hỏị thực tế khách quan đáp ứng việc củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ đa phương, đa diện của quốc gia với nước ngoài.
Khi áp dụng luật nước ngoài cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý nhất định. Ở mỗi quốc gia các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý về áp dụng luật nước ngoài là khác nhau.
Chúng ta xem xét một trường hợp để thấy rõ hơn: Hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau ở Pháp. Họ có 3 con (2 trai và 1 gái) cùng bất động sản và động sản ở Pháp. Hai người sinh sống vớinhau ở Pháp đã 20 năm và nay trở về Việt Nam được 1 năm thì xin ly hôn tại tòa án Việt Nam. Tất nhiên tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ ly hôn này, song việc giải quyết chỉ có thể được khi:
a) Tòa án Việt Nam công nhận việc kết hôn của hai công dân Việt Nam ở Pháp trên đây là hợp pháp;
b) Tài sản của họ ở Pháp là hợp pháp (và có thể thậm chí các quyền sở hữu đối với các tài sản đó hoàn toàn khác với luật Việt Nam).
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của cặp vợ chồng trên cũng như lợi ích của con cái của họ, tòa án Việt Nam không thể giải quyết nếu không tính tới việc trong chừng mực nào đó cần thiết phải áp dụng luật pháp của Pháp.
Qua một ví dụ nhỏ trên đây ta thấy được việc cần thiết phải áp dụng luật nước ngoài để giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế là một nhu cầu khách quan để bảo đảm lợi ích, công bằng trong xã hội. Song việc áp dụng luật nước ngoài phải luôn gắn liền với việc bảo đảm độc lập, chủ quyền, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo đảm sự an ninh, ổn định chế độ xã hội chủ nghĩa và nền tảng pháp luật của nhà nước ta.
Đọc thêm tại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét