Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ áp dụng luật nước ngoài khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới.
Quy phạm xung đột có thể là quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam và quy phạm xung đột cũng có thể là trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong trường hợp quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế và quy phạm xung đột trong luật Việt Nam cùng điều chỉnh một quan hệ hoặc nhóm quan hệ nhất định thì ưu tiên thi hành quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế Việt Nam tham gia (khoản 2 Điều 759 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005).
Khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới luật pháp nước ngoài có nghĩa là dẫn chiếu tới toàn bộ hệ thống pháp luật của nước đó (không có ngoại trừ luật nội dung, luật xung đột hay luật hình thức V.V.). Như vậy, khi áp dụng luật nước ngoài là áp dụng toàn bộ hệ thống pháp luật nước ngoài nên nó phải được giải thích, xác định nội dung và áp dụng để giải quyết vụ việc đúng như ở nước đã ban hành nó. Có thể nói đây là điều kiện tiên quyết để bảo hộ một cách thiết thực quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân của nước mình khi các quan hệ pháp luật liên quan đó đã phát sinh ở nước ngoài.
Về thực chất, đây là một vấn đề rất phức tạp và nó cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ở các nước về áp dụng luật nước ngoài. Yếu tố chủ quan đó là quan điểm, là trường phái, là chính sách của nhà nước hiện hành.
Yếu tố khách quan là cơ sở vật chất, là khả năng thực tế của các cơ quan thực thi pháp luật của mỗi quốc gia.
Ở nước ta cơ quan tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác chỉ được áp dụng luật nước ngoài khi có quy phạm xung đột trong luật pháp Việt Nam và các điều ước của Việt Nam viện dẫn tới luật của nước ngoài đó (Điều 759 khoản 2 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005).
Có thể lấy một ví dụ nhỏ để thấy rõ hơn: Theo Điều 103 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định: ‘Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên tuân theo pháp luật của nước mình về kết hôn”. Như vậy, nếu việc kết hôn tiến hành ở Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xét điều kiện kết hôn của công dân Việt Nam theo luật pháp Việt Nam (cụ thể các điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam). Còn công dân nước ngoài mang quốc tịch nước nào thì điều kiện kết hôn phải được xét theo pháp luật nước đó (công dân Pháp xét theo điều kiện kết hôn của Pháp, công dân Đức xét theo điều kiện kết hôn của luật pháp Đức v.v..).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét