Giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của người nước ngoài
Người nước ngoài là một trong những chủ thể cơ bản của Tư pháp quốc tế. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi là hai thuộc tính cơ bản của chủ thể pháp luật. Chính vì thế, khi tìm hiểu địa vị pháp lý của người nước ngoài, không thể bỏ qua việc giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật và năng lực hành vi trong quan hộ Tư pháp quốc tế.
Trong thực tiễn pháp luật của các nước hiện nay các khái niệm về năng lực pháp luật và năng lực hành vi được hiểu rất khác nhau và dẫn đến việc quy định trong pháp luật cũng khác nhau. Theo các hệ thống pháp luật của các nước châu Âu lục địa, mà tiêu biểu có thể kể đến là Pháp chẳng hạn thì cả hai khái niệm trên được hiểu là “Năng lực pháp luật nói chung”(Capacité Jouissance) và năng lực thực hiện nghĩa vụ (Capacité d’exercice). Theo hệ thống luật pháp Anh – Mỹ (Common Law) thì năng lực chủ thể (Capacity) bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Hiện nay, trong khoa học pháp lý của Việt Nam cũng như một số nước, năng lực pháp luật của cá nhân là khả năng của người đó được hưởng các quyền và gánh vác nghĩa vụ mà theo pháp luật quy định; còn năng lực hành vi của cá nhân là khả năng của chính người đó bằng các hành vi của mình thực hiện các quyền và gánh vác nghĩa vụ theo pháp luật quy định (xem Điều 14 và 17 Bộ luật dân sự Việt Nam).
Năng lực pháp luật và năng lực hành vi quy định quyền năng chủ thể của một thực thể khi nó tham gia vào các quan hệ pháp luật nhất định.
Để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật dân sự của công dân nước ngoài, luật pháp các nước thường quy định người nước ngoài có năng lực pháp luật ngang hoặc tương đương với công dân nước sở tại (trừ những ngoại lệ quy định trong các hệ thống luật cụ thể của mỗi quốc gia hoặc trong các điều ước quốc tế), còn giải quyết xung đột pháp luật về năng lực hành vi thì đại đa số luật pháp các nước áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch (Lex patriae), riêng hệ thống luật Anh – Mỹ (Common law) lại áp dụng nguyên tắc luật nơi cư trú (Lex domicille).
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, Điều 761 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam (trừ các trường hợp ngoại lệ); và Điều 762 quy định: Năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân (trừ các trường hợp ngoại lệ), nếu thực hiện, xác lập các hành vi dân sự tại Việt Nam thì xác định theo luật Việt Nam. Trong các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự… của Việt Nam với nước ngoài cũng ghi nhận cách giải quyết tương tự như trên.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: luật tư pháp quốc tế, xung
đột pháp luật trong tư pháp quốc tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét