Khi ban hành pháp luật (các văn bản pháp quy) Nhà nước luôn dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích của thể nhân và pháp nhân nước mình cũng như thể nhân và pháp nhân nước ngoài. Việc thực hiện và áp dụng các quy phạm xung đột trong các văn bản pháp luật (trong nước và quốc tế) nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật không được phép phân biệt đối xử trong quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế.
Ở nước ta, trong Hiến pháp năm 1992 cũng như trong các văn bản pháp quy của nhà nước và cả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đều khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán là chống lại mọi hành vi phân biệt và kỳ thị giữa các quốc gia và giữa Việt Nam với các nước. Do đó, có thể nói quan điểm của chúng ta là giữa các quốc gia Việt Nam đã công nhận và những quốc gia còn chưa công nhận sẽ không có sự phân biệt hoặc kỳ thị nào. Hơn nữa, chúng ta luôn ủng hộ quan điểm là việc công nhận quốc gia hay Chính phủ không làm phát sinh một chủ thể mới trong luật quốc tế mà việc công nhận chỉ là thủ tục, các bước tạo tiền đề cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và hoàn toàn nhằm củng cố, tăng cường khả năng hợp tác mọi mặt giữa nước ta với nước ngoài phù hợp với đường lối đổi mới công tác đối ngoại của Nhà nước là đa phương hóa và đa diện hóa quan hệ với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế tòa án của một số nước phương Tây đã công nhiên vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại và có những hành vi kỳ thị đối với các hệ thống luật pháp của các nước mà quốc gia của họ chưa công nhận. Họ cho rằng khi luật pháp của nước tòa án có thẩm quyền xét xử viện dẫn tới hệ thống pháp luật của nước chưa được công nhận thì sẽ không được áp dụng với lý lẽ là đến nhà nước đó còn chưa được công nhận huống hồ ai lại phải công nhận hệ thống luật pháp của nó. Đây là quan điểm phản khoa học, song tòa án các nước phương Tây đã áp dụng và lấy làm cơ sở để gạt bỏ luật pháp của các nước trước đây là thuộc địa mà mới giành được độc lập nhằm duy trì sự bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Quá trình đấu tranh để giành lại chủ quyền, độc lập tự do của các dân tộc là một quá trình bền bỉ, phức tạp, nước ta luôn ủng hộ quá trình này, nhằm thiết lập một trật tự pháp lý quốc tế bảo đảm công bằng và công lý trên toàn thế giới chống lại mọi sự phân biệt và kỳ thị giữa các dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét